Mến Sách

Mỗi tháng 1 cuốn sách


1 bình luận

12.1. Steve Jobs – Thiên tài kinh doanh và câu chuyện thần kỳ về quả táo – Quách Thanh Nga

Đọc xong cuốn “Steve Jobs – Thiên tài kinh doanh và câu chuyện thần kỳ về quả táo”, tôi thấy như mình vừa trải qua một khóa đào tạo về quản trị kinh doanh, bởi những bài học mà cuốn sách đem lại thật có giá trị đối với tôi.

Điều đầu tiên mà tôi cảm nhận được ở doanh nhân tài ba này là ông đã thực hiện thành công bài học đầu tiên đối với một người làm kinh doanh: đó là đặt khách hàng ở vị trí trung tâm. Mọi nỗ lực của ông trong sự nghiệp kinh doanh của mình là hướng tới thỏa mãn tối đa sự tiện lợi của khách hàng, sự thân thiện của sản phẩm với khách hàng. Vì vậy, ông đã sáng tạo ra những sản phẩm đơn giản tiện dụng đến mức 1 kẻ kém hiểu biết về công nghệ nhất cũng có thể sử dụng thành thạo. Với đam mê tột bậc hướng tới sự hoàn hảo, Jobs luôn yêu cầu sự tập trung cao nhất tới từng chi tiết nhỏ, tỉ mỉ chẳng khác nào việc sản xuất một món đồ thủ công để đảm bảo Apple tung ra thị trường các sản phẩm hoàn thiện. Điều này minh chứng cho quan điểm “Một người thợ mộc giỏi sẽ không sử dụng miếng gỗ xấu để làm phần lưng của một chiếc tủ, cho dù sẽ không ai nhìn thấy nó”.

Thật ấn tượng với cách mà Jobs tìm hiểu nhu cầu khách hàng, với quan điểm sáng tạo trong nghệ thuật và công nghệ là khả năng thể hiện của từng cá nhân, cũng giống như một người họa sỹ không thể vẽ ra một bức tranh bằng cách hỏi ý kiến những người xem tranh. Ông cho rằng, đa phần khách hàng không biết chính xác điều họ muốn cho tới khi Apple chỉ cho họ thấy. Do đó, Jobs không tiến hành điều tra thông qua thu thập ý kiến phản hồi hay hỏi ý kiến khách hàng, mà tự đặt mình đứng ở vị trí “người tiêu dùng” để nhìn nhận sản phẩm từ quan điểm “Vậy trải nghiệm của khách hàng sẽ như thế nào” Bằng cách đi tắt đón đầu, Jobs đã tận dụng khai thác các công nghệ dù không được phát triển tại Apple và biến chúng trở nên tiện dụng. Điều quan trọng ở đây chính là ông có khả năng tiên tri về sự mong muốn của người tiêu dùng.

Để cứu apple thoát khỏi nguy cơ phá sản, ông đã sử dụng chiến lược đơn giản hóa triệt để dòng sản phẩm, tập trung mọi nguồn lực vào công việc mà Apple có thể làm tốt nhất. Đây là quyết định đúng đắn, không những tránh cho Apple bị phân tán vào quá nhiều việc mà còn giúp lượng hàng tồn kho giảm đáng kể. Jobs hướng Apple tới việc tạo ra những sản phẩm công nghệ có thiết kế đẹp, chất lượng tốt, mặc dù giá không rẻ nhất nhưng đòi hỏi lòng trung thành có căn cứ của khách hàng đối với thương hiệu Apple.

Điều khiến tôi khâm phục đó là tài dùng người của ông. Đối với ông tài sản của công ty không chỉ là sản phẩm mà còn là con người. Ông rất chú trọng tìm kiếm những người tài năng, dù họ không phải là những người đóng vai trò chủ chốt trong công ty. Bằng việc sử dụng khôn ngoan chiến thuật cây gậy và củ cà rốt,

Jobs đã thành công trong việc giữ chân và cuốn hút những tài năng bậc nhất. Phần thưởng cho những nhân viên của Jobs chính là cơ hội được học tập, sáng tạo và được làm việc cùng với những người tài năng. Ông không ôm đồm tất cả mọi việc mà tập trung vào những lĩnh vực mà mình am hiểu, giao phó những lĩnh vực còn lại cho những người mà ông thấy có đủ khả năng đảm trách.

Mô hình tổ chức của Apple được ông sắp xếp 1 cách tinh gọn, hợp lý, dễ hiểu, chuỗi quản lý có rất ít cấp, mọi người được phân công trách nhiệm rõ ràng theo từng quy trình, họ biết mình phải làm gì và báo cáo với ai. Jobs là người có tầm bao quát đặc biệt, ông biết rất rõ ai đang làm gì và ở đâu. Điều khác biệt với các công ty khác là Jobs không thực hiện cách thức thiết kế theo kiểu chuỗi, từng bước một, theo đó các sản phẩm được chuyển từ nhóm này sang nhóm khác và không có nhiều sự trao đổi qua lại giữa các bộ phận. Ở Apple, quá trình thiết kế có sự tham gia của nhiều nhóm: các chuyên gia thiết kế, các kỹ sư, chuyên gia lập trình, và cả nhân viên marketing. Các nhóm nghiên cứu cùng 1 lúc và qua mỗi giai đoạn, đều có các buổi họp đánh giá tổng thể. Hiệu quả đạt được chính là nhờ sự phối hợp chặt chẽ, sự giao phấn chéo và phát triển cùng lúc của các bộ phận.

Dù là người chỉ huy tối cao, nhưng mọi quyết sách tại Apple không phải tất cả đều là mệnh lệnh 1 chiều từ trên xuống. Tranh luận và bàn thảo là trung tâm trong tư duy sáng tạo của Jobs. Jobs muốn các cộng sự thử thách ý tưởng của mình và ngược lại Jobs cũng thử thách các ý tưởng của họ. Jobs truyền cho nhân viên niềm đam mê rằng chính sự sáng tạo và công việc của họ đã mang lại sản phẩm này đến với cuộc sống và họ sẽ tạo ra một ảnh hưởng rất sâu sắc. Điều này đã tạo ra động lực khiến nhân viên vui vẻ làm việc nhiều giờ liên tục, thậm chí ngang ngửa với các tiêu chuẩn về chứng nghiện làm việc. Ông đẩy họ tới những giới hạn, đến mức thậm chí chính họ còn ngạc nhiên về việc tại sao họ lại làm được nhiều điều đến vậy.

Việc bảo mật thông tin tại Apple được Jobs hết sức lưu ý, mức độ gần như tương đương với những cơ quan mật của chính phủ. Các nhân viên không nói bất cứ điều gì về việc họ làm, thậm chí cả với những người thân yêu nhất của mình.

Jobs là người có tài đàm phán kinh doanh tuyệt vời. Khả năng biến hóa thực tế là sự kết hợp đan xen giữa phong cách dùng ngôn ngữ đầy sức lôi cuốn, ý chí bất khuất, và niềm háo hức muốn xoay chuyển mọi điều nhằm đạt được mục đích trong tầm tay. Nếu hướng lập luận này không đủ sức thuyết phục, Jobs sẽ khéo léo chuyển sang hướng khác.

Có thể nói, những gì mà Steve Jobs – thiên tài kinh doanh – đã làm được đáng để cho chúng ta học tập. Với góc độ là một người muốn tìm hiểu để bước vào lĩnh vực kinh doanh, tôi chỉ tóm tắt lại 1 số điều mà mình tâm đắc nhất. Hy vọng sẽ nhận được nhiều ý kiến chia sẻ từ các độc giả khác.

Quach Thanh Nga’s