Mến Sách

Mỗi tháng 1 cuốn sách

2019.07.10 CUỘC CÁCH MẠNG MỘT CỌNG RƠM, MASANOBU FUKUOKA, MSer: Ánh Nguyệt

Bình luận về bài viết này

Gửi cả nhà CNS của em nha

Hai cuốn sách, hai nhà xuất bản, nhưng lại cùng về một chủ đề: về nông nghiệp không dùng phân bón hay thuốc bảo vệ thực vật và đều là nông nghiệp tại Nhật. Rất mong ai đó đọc bài này có thể recommend thêm cho mình những cuốn sách liên quan đến chủ đề này

Mình thích câu này “Mục đích tối thượng của làm nông không phải là trồng cây, mà là sự tu dưỡng và hoàn thiện con người”. Mình chưa trồng quá nhiều cây, nhưng mình dành thời gian cho vườn cây của mình cũng không phải là quá ít, mình yêu những bông hoa, yêu những sắc màu của lá dù là khi chúng mới là những chồi non hay đến khi chúng lìa cành. Mình yêu những nụ hoa mới chớm và cả những bông hoa tàn rụng cánh cũng làm mình thấy thiên nhiên thật diệu kỳ. Màu sắc của cỏ cây hoa lá, chẳng phải là từ sự quang hợp và hòa hợp với thiên nhiên, với ánh nắng mặt trời – đất – nước – gió & đôi khi với con người. Mình tin những cái cây cũng biết cảm nhận, bởi mình thấy ở khu vườn của mình, cứ cây nào mình trò chuyện, xúc chạm, ngắm nhìn và quan tâm nhiều hơn thì các em ấy ra hoa nhiều hơn.

Trở lại với cuốn sách “Cuộc cách mạng một cọng rơm” của Fukuoka, đọc cuốn sách này vì hôm phỏng vấn 2 VCA các bạn đều đề cập tới nó, chẳng lẽ mình lại không biết nó viết cái gì – cuốn sách qua lời kể của 2 em thì chưa có gì thú vị, nhưng khi đã lựa chọn làm trong ngành nông nghiệp thì cũng nên và cần phải biết những cuốn sách trong ngành để còn có thông tin mà trò chuyện cũng như hiểu được phần nào thế giới nông nghiệp đầy diệu kỳ này.

Cuốn sách được viết theo lối kể chuyện, những chuyện Masanobu Fukuoka đã làm với vườn quýt để lại của cha, với cách ông để cho mọi thứ như tự nhiên vốn thế – lối văn có vẻ hơi kỹ thuật, nhưng thỉnh thoảng lại buông ra những câu mà mình thấy thích vô cùng 😛

Tôi đặc biệt không thích từ “làm việc”. Con người là loài động vật duy nhất phải làm việc, và tôi nghĩ đó là điều nực cười nhất trên thế gian này.“Đối với con người, cuộc sống giản dị như vậy là có thể nếu người ta làm việc chỉ để đáp ứng nhu cầu trực tiếp mỗi ngày của mình. Trong một cuộc sống như thế, lao động chẳng phải là lao động như người ta thường nghĩ, mà đơn giản chỉ là làm những gì cần làm”.

“Làm nông thuần túy tư nhiên là kiểu của trường phái không nhát chém. Nó chẳng nhằm đi tới cái đích nào mà cũng không kiếm tìm chiến thắng. Đưa khái niệm “không làm gì cả” vào thực hành là một điều mà người nông dân phải nỗ lực đạt tới. … Khi hiểu được rằng người ta sẽ đánh mất niềm vui và hạnh phúc khi cố gắng sở hữu chúng, thì đó chính là lúc điều cốt yếu của làm nông tự nhiên sẽ được nhận chân.”

“Mục đích của chế độ ăn tự nhiên không phải là để tạo ra những con người thông thạo có thể giải thích hợp lý và sành sỏi việc lựa chọn thức ăn, mà là để tạo ra những con người không biết gì, nhặt lấy đồ ăn mà không cần viện tới những phân biệt thuộc về ý thức. Điều này không đi ngược với tự nhiên. Bằng việc nhận ra “vô tâm”, không lạc lối trong những vi tế của hình tướng, chấp nhận rằng màu sắc của vô màu chính là màu, đấy là lúc chế độ ăn đúng đắn bắt đầu.”

“Dường như với tôi, kẻ mà cứ việc mình mình làm, ăn tốt ngủ tốt, không có gì để phải lo lắng, là kẻ đang sống mãn nguyện nhất. Chẳng có ai vĩ đại bằng kẻ không cố hoàn thành bất cứ cái gì”.

“Nếu ta mà không làm gì hết thì thế gian sẽ không thể vận hành. Thế giới sẽ ra sao nếu không có sự phát triển đây?”

“Tại sao anh lại phải phát triển cơ chứ? Nếu tăng trưởng kinh tế nhảy từ 5% lên 10% liệu mức độ hạnh phúc có tăng gấp đôi không? Mà tốc độ tăng trưởng 0% có gì sai? Đúng ra, đấy chẳng phải là một kiểu nền kinh tế ổn định sao? Còn có bất cứ điều gì tốt đẹp hơn việc sống giản đơn và xem nhẹ mọi thứ nữa?|

Một cuốn sách không dài, không quá khó đọc, nhưng là hành trình 30 năm trải nghiệm của Fukuoka đế tiến tới “một phong trào với tinh thần chẳng cần đạt tới bất cứ cái gì”

Để làm được nông nghiệp tự nhiên không dễ, bởi nó cần sự kiên trì, nhẫn nại, sự quan sát đầy tinh tế với những chuyển động của hệ sinh thái với mỗi loài cây, ngọn cỏ hay những con côn trùng, sâu bệnh hay thiên địch … tất cả đều có những thói quen, và là những mắt xích quan trọng trong hệ sinh thái của tự nhiên. Những nỗ lực cố gắng dùng các tác động do con người phát minh ra để “cải tiến” tự nhiên dường như chỉ để phá hoại tự nhiên thì đúng hơn :). Và để nhận ra sự thật chân lý này, Fukuoka đã dùng cả cuộc đời của mình để chứng minh bằng chính trải nghiệm và kết quả của bản thân. Trong sách ta đọc sẽ không thấy được những khó khăn vất vả cũng như nỗ lực mà ông đã trải nghiệm để có được những đúc rút trên, nhưng nếu đọc thêm Quả táo thần kỳ của Kimura bạn sẽ thấy sự khó khăn trên hành trình này đơn độc đến thế nào.

Tác giả: mensach

Blog: http://hrblove.blogspot.com/ Group mail: http://groups.google.com/group/hr_sach Group trên Facebook: http://www.facebook.com/groups/mensach.hr/ Fanpage trên Facebook: http://www.facebook.com/pages/Mến-Sách-HR/299562876733365 Mục tiêu: Mỗi tháng 1 cuốn sách Mỗi thành viên rèn luyện thói quen mỗi tháng chia sẻ cảm nhận về 1 cuốn sách mà mình đã đọc :)

Bình luận về bài viết này